8+ Điều cần biết về đau mỏi vai gáy - căn bệnh phổ biến thời hiện đại

8+ Điều cần biết về đau mỏi vai gáy - căn bệnh phổ biến thời hiện đại
Nội dung bài viết

    1. Đau mỏi vai gáy là bệnh gì?

    Đau mỏi vai gáy là hiện tượng gì? Đau mỏi vai gáy là tình trạng rối loạn thần kinh cơ với biểu hiện thường thấy nhất là co cứng cơ vùng gáy, gây đau nhức, hạn chế tầm vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Các triệu chứng của đau mỏi vai gáy có mối liên quan chặt chẽ đến các rối loạn của hệ thống cơ xương khớp và mạch máu khu vực này.

    Tình trạng này có thể được quản lý và điều trị hiệu quả thông qua các biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát hợp lý, đau mỏi vùng vai gáy có thể gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

    Đau mỏi vai gáy là tình trạng rối loạn thần kinh cơ

    Đau mỏi vai gáy là tình trạng rối loạn thần kinh cơ và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

    2. Triệu chứng đau mỏi vai gáy

    Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính chất cơ học và có thể khác nhau giữa các cá thể. Các triệu chứng điển hình phải kể đến bao gồm:

    • Đau nhức: Cảm giác đau nhức và khó chịu vùng vai gáy. Điểm đau nhức có thể khu trú tại một điểm ở cổ, vai hoặc lan tỏa rộng trên vai và/hoặc trên cổ.
    • Co cứng: Cảm giác cứng cơ khớp, giảm phạm vi hoạt động của cổ và vai.
    • Tính chất: Đau có nhiều biểu hiện như đau nhói, đau âm ỉ kéo dài hoặc đau dữ dội.
    • Phạm vi: Cơn đau có thể tê lan xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay
    • Thời điểm đau: Đau thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi và tăng lên khi ấn vào vùng vai gáy, cử động mạnh hoặc nhiễm lạnh.

    Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính chất cơ học

    Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính chất cơ học và có thể khác nhau giữa các cá thể.

    2. Phân loại đau mỏi vai gáy

    Nhận biết đúng dạng đau mỏi vai gáy sẽ giúp xác định các nguyên nhân có thể xảy ra, từ đó xác định đau mỏi vai gáy có nguy hiểm không và đưa ra phương pháp điều trị và quản lý phù hợp. Theo thời gian diễn biến, đau mỏi vai gáy được phân loại như sau:

    • Đau mỏi vai gáy cấp tính: Các cơn đau cấp tính thường xuất hiện trong thời gian ngắn do các nguyên nhân như chấn thương hoặc ngủ sai tư thế. Tính chất cơn đau có thể đau nhói hoặc đau dữ dội và khiến người bệnh khó chịu. Các cơn đau này thường chấm dứt hoàn toàn khi được điều trị thích hợp và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe lâu dài.
    • Đau mỏi vai gáy mạn tính: Đau mỏi vai gáy kéo dài và tăng dần trên 3 tháng được gọi là đau mỏi vai gáy mạn tính. Đau mạn tính thường âm ỉ kéo dài hoặc bao gồm nhiều cơn đau dữ dội cấp tính tái phát thường xuyên. Các biểu hiện đau có thể tăng dần và lan sang cánh tay, bàn tay. Tình trạng này thường xuất phát từ các bệnh lý,  tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và gây ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt.

    Đau mỏi vai gáy có thể âm ỉ kéo dài hoặc dữ dội cấp tính

    Đau mỏi vai gáy có thể âm ỉ kéo dài hoặc dữ dội cấp tính

    3. Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy

    Đau mỏi vai gáy có mối liên hệ chặt chẽ đến các vấn đề cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy. Cụ thể về nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy:

    3.1. Nguyên nhân cơ học và sinh lý

    Đau mỏi vai gáy do các nguyên nhân cơ học và sinh lý đang ngày càng chiếm phần lớn trong thời đại lao động trí óc. Cụ thể:

    3.1.1. Làm việc và sinh hoạt không đúng cách

    Các thói quen xấu trong cuộc sống sau đây có thể dẫn đến đau mỏi vai gáy:

    • Lười vận động: Lười vận động làm các cơ bắp, trong đó có cơ bắp vai gáy yếu đi và dễ gặp các chấn thương cơ gân. Bên cạnh đó, lười vận động còn làm tăng nguy cơ béo phì, tạo nhiều áp lực hơn lên vùng vai gáy.
    • Vận động và tập luyện không đúng: Vận động, tập luyện quá sức hoặc sai tư thế có thể làm tăng áp lực lên cột sống cổ và xương khớp, dẫn đến căng cơ và chấn thương các cấu trúc vùng vai gáy, từ đó dẫn đến đau mỏi vai gáy.
    • Ngồi nhiều: Ngồi trong thời gian dài, ngồi với tư thế như gù lưng, cúi cổ tạo áp lực lớn lên cổ vai gáy, khiến các cơ bị giảm sự linh hoạt và dễ căng cứng, gây nên tình trạng đau mỏi.
    • Mang vác nặng: Mang vác quá nặng không chỉ gây chấn thương cơ bắp, dây chằng mà còn có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, chèn ép mạch máu và dây thần kinh khiến vai gáy yếu ớt.
    • Nằm sấp, nằm nghiêng lâu: Các tư thế này gây đau mỏi vai gáy do tạo một áp lực không tự nhiên lên cơ xương vùng vai gáy và hạn chế tuần hoàn máu đến các vùng bị đè ép.

    Mang vác nặng dễ gây chấn thương

    Mang vác nặng dễ gây chấn thương hoặc thoát vị đĩa đệm vùng vai gáy

    3.1.2. Thay đổi nội tiết tố

    Thay đổi nội tiết tốt thường xảy ra ở phụ nữ đang mang thai, sau sinh và phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh:

    • Ở phụ nữ mang tại và sau sinh: Sự thay đổi nồng độ các hormon như Relaxin, Progesteron khiến các khớp xương và mô liên kết vùng vai bị nới lỏng gây nhức mỏi kéo dài.
    • Ở phụ nữ mãn kinh: Đau mỏi vai gáy trong giai đoạn này là do nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh suy giảm đáng kể làm giảm mật độ xương dẫn đến thay đổi cấu trúc của cột sống, gây áp lực không đều lên các cơ bắp.

    3.1.3. Chấn thương cơ học

    Các chấn thương cơ học như chấn thương phần mềm (cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh) hoặc gãy xương vùng cổ vai gáy gây tổn thương các mô, sưng viêm và gián đoạn tuần hoàn đến vùng bị tổn thương. Các chấn thương này thường xảy ra do tai nạn, va đập hoặc tập luyện thể thao sai cách.

    3.1.4. Thiếu máu cục bộ vùng vai gáy

    Xơ vữa động mạch, chấn thương, viêm, nhiễm trùng máu, nhiễm lạnh vùng vai gáy có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ vùng vai gáy. Lưu lượng máu nuôi dưỡng cơ khớp giảm khiến chúng suy yếu, giảm độ đàn hồi, linh hoạt và co cứng dẫn đến đau nhức.

    Nhiễm lạnh do ngồi điều hòa

    Nhiễm lạnh do ngồi điều hòa nhiều có thể gây thiếu máu cục bộ vùng vai gáy

    3.2. Nguyên nhân bệnh lý

    Nguyên nhân đau mỏi vai gáy do các bệnh lý cũng chiếm phần lớn, chủ yếu là các bệnh lý thần kinh và cơ xương khớp vai gáy. Cụ thể:

    3.2.1. Thoái hóa đốt sống cổ

    Đốt sống cổ thoái hóa khiến xương và sụn hao mòn dần, làm mất cân bằng cấu trúc đốt sống gây nên nhiều bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, gai đốt sống do lắng đọng calci trên dây chằng. Các bệnh lý này gây chèn ép tủy sống và các rễ thần kinh xung quanh, gây ra những cơn đau khó chịu vùng cổ vai gáy và có thể lan xuống tới cánh tay, bàn tay.

    3.2.2. Thoát vị đĩa đệm cổ

    Khi vòng xơ của đĩa đệm cổ bị tổn thương, nhân nhầy bên trong có thể thoát ra ngoài và chèn ép lên hệ thần kinh quanh đó như tủy sống và các dây thần kinh. Đồng thời sự thay đổi vị trí của đĩa đệm cũng làm thay đổi áp lực lên vùng gáy và hai bên vai. Những điều này không chỉ khiến vùng vai gáy đau nhức mà còn dễ kéo theo tình trạng tê bì chân tay.

    Thoát vị đĩa đệm cổ là một nguyên nhân phổ biến

    Thoát vị đĩa đệm cổ là một nguyên nhân phổ biến gây đau mỏi vai gáy

    3.2.3. Vẹo cột sống cổ

    Vẹo cột sống cổ là một dạng dị tật xảy ra do sự thay đổi cấu trúc cột sống cổ kéo dài như đối đầu cao, tư thế nằm, đi đứng không đúng, loãng xương hoặc chấn thương nặng không được điều trị. Vẹo cột sống khiến cột sống cổ và 2 bên vai chịu áp lực không cân đối gây đau nhức âm ỉ và cứng cổ vai gáy.

    3.2.4. Hẹp ống sống

    Ống sống là phần khoang rỗng được tạo bởi các đốt sống với vai trò bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh. Ở những người thoái hóa cột sống, chấn thương hoặc có khối u vùng tủy sống, sự biến đổi vị trí các mô, cơ quan gây chèn ép hệ thần kinh trong lòng ống sống, dẫn đến đau nhức vai gáy kèm tê ngứa các chi, nặng hơn có thể gây bại liệt.

    3.2.5. Viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp

    Viêm gân, dây chằng hoặc viêm bao hoạt dịch khớp vùng vai gáy gây sưng và đau nhức quanh các vùng này. Tình trạng viêm này kéo dài có thể dẫn tới nhiều vấn đề như cứng khớp vai, teo cơ, khô khớp và tăng nguy cơ thoái hóa khớp, khiến đau mỏi vai gáy kéo dài dai dẳng và mạn tính.

    3.2.6. Viêm dây thần kinh

    Viêm dây thần kinh quanh vùng cổ vai gáy gây rối loạn cảm giác vùng vai gáy và tăng cảm ứng đau, khiến người bệnh đau nhức, châm chích và có thể tê cứng vùng vai gáy. Nguyên nhân này xảy ra thứ phát sau chấn thương hoặc một số bệnh lý cột sống và thường ít gặp.

    3.2.7. Viêm cột sống dính khớp

    Ngoài tình trạng sưng viêm và đau nhức tại chỗ, viêm cột sống dính khớp quanh vùng vai gáy còn khiến cột sống cổ giảm khả năng vận động, kém linh hoạt. Sự cứng hóa của các khớp cột sống khiến cơ bắp xung quanh khớp có thể trở nên căng cứng và đau mỏi do phải làm việc nặng hơn để bù đắp cho sự giảm khả năng di chuyển của các khớp.Bệnh lý này thường gây đau mỏi vai gáy mãn tính.

    Viêm gân khớp, viêm dây thần kinh vai gáy có thể gây đau nhức

    Viêm gân khớp, viêm dây thần kinh vai gáy có thể gây đau nhức quanh các vùng này

    3.3. Nguyên nhân khác: các khối u, ung thư phổi, stress, dinh dưỡng kém, lạm dụng thuốc lá và rượu bia

    Ngoài những nguyên nhân phổ biến kể trên, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây đau mỏi vai gáy như:

    • Stress: Khi bị stress kéo dài liên tục, các cơ bắp, trong đó có cơ vai gáy có thể co bóp mạnh và căng cứng như một phản ứng sinh lý của cơ thể, dẫn đến đau nhức vai gáy.
    • Dinh dưỡng kém: Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt các dưỡng chất như Vitamin B, C, D, Calci, Magie có thể gây đau mỏi vai gáy do dẫn đến rối loạn hoạt động thần kinh cơ và một số bệnh lý về xương khớp.
    • Lạm dụng thuốc lá và rượu bia: Không chỉ đẩy nhanh tốc độ lão hóa xương khớp - yếu tố nguy cơ chính của đau mỏi vai gáy, thuốc lá và rượu bia còn gây cản trở quá trình hấp thu Calci của cơ thể, làm giảm mật độ xương dẫn đến đau nhức vai gáy.
    • Ung thư phổi: Đau mỏi vai gáy có thể là một dấu hiệu của ung thư phổi, tuy nhiên không có tính chất đặc trưng.

    4. Những đối tượng có nguy cơ cao bị đau mỏi vai gáy

    Đau mỏi vai gáy có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hoặc ngành nghề nào. Tuy nhiên, những người sau đây có nguy cơ cao bị đau mỏi vai gáy hơn:

    • Những người làm công việc văn phòng, lái xe: Những người này thường phải ngồi làm việc trong thời gian dài và ít có thời gian để vận động, tập luyện.
    • Người lao động nặng nhọc, vận động viên: Các hoạt động lao động nặng nhọc hoặc thể thao như quần vợt, bóng đá, cầu lông hoặc bơi đòi hỏi sử dụng vùng vai và gáy thường xuyên nên có nguy cơ chấn thương cao.
    • Người trung niên, cao tuổi: Ở những độ tuổi này, tình trạng thoái hóa xương khớp tiến triển mạnh dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp gây đau mỏi vai gáy rất cao.
    • Phụ nữ có thai: Trọng lượng cơ thể tăng lên, sự thay đổi cấu trúc cơ thể và nội tiết tố có thể gây ra căng thẳng cơ bắp và áp lực lớn lên vùng vai gáy.
    • Phụ nữ cho con bú: Bên cạnh hậu quả của sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai, việc chăm sóc em bé cũng có thể tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy nếu người mẹ không vận động, sinh hoạt đúng tư thế.
    • Những người bị bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy: Dị tật bẩm sinh vùng cổ vai gáy như cong vẹo cột sống, dị tật đĩa đệm hoặc thiếu hụt các cấu trúc xương, mô mềm có thể ảnh hưởng đến chức năng và tư thế của cột sống cổ, gây áp lực không đều lên vai gáy và căng cứng cơ bắp kéo dài;
    • Người nhạy cảm với thay đổi thời tiết: Sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm và áp suất không khí dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy ở những người nhạy cảm do có ảnh hưởng đến sự đàn hồi của cơ bắp và mạch máu vùng vai gáy.

    Độ tuổi trung niên, cao tuổi có nguy cơ cao đau mỏi vai gáy

    Độ tuổi trung niên, cao tuổi có nguy cơ cao đau mỏi vai gáy

    5. Đau mỏi vai gáy có nguy hiểm không?

    Theo các chuyên gia y tế, đau mỏi vai gáy do sinh lý và nguyên nhân cơ học thường không nguy hiểm. Ngược lại, đau mỏi vai gáy các nguyên nhân bệnh lý có thể nguy hiểm cho người bệnh do nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như liệt, thiểu năng tuần hoàn não, tổn thương thần kinh.

    Các biến chứng do nguyên nhân bệnh lý của đau mỏi vai gáy:

    • Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não: Biểu hiện thường gặp là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn thăng bằng và định hướng không gian, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ,...
    • Rối loạn tiền đình: Rối loạn tiền đình thường có các triệu chứng chóng mặt nặng, nôn ói, giảm thính lực, không thể đi đứng hay thay đổi tư thế.
    • Tổn thương thần kinh: Biến chứng tổn thương thần kinh thường gây ra rối loạn thăng bằng, giảm phối hợp tay chân, đau thần kinh tọa, đau nhức, tê bì, chuột rút tay chân.
    • Yếu cơ, bại liệt: Các cơ bắp bị suy giảm hoạt động có thể teo dần, đồng thời phản xạ thần kinh cũng suy giảm do chèn ép dẫn đến liệt một phần hoặc nặng hơn là liệt cả tứ chi.

    Xem thêm: Đau mỏi vai gáy có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng tránh

    Các bệnh lý gây đau mỏi vai gáy có thể dẫn đến biến chứng

    Các bệnh lý gây đau mỏi vai gáy có thể dẫn đến biến chứng thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não

    6. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

    Phần lớn các dấu hiệu đau mỏi vai gáy bắt đầu từ các triệu chứng nhẹ nên người bệnh thường chủ quan tự điều trị tại nhà và chỉ nhập viện khi bệnh đã trở nặng. Vì vậy, biến chứng do các bệnh lý có nguy cơ xảy ra cao và có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

    Để tránh tình trạng này, người đau mỏi vai gáy nên tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ xác định nguyên nhân và cách điều trị chính xác. Cụ thể, khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ đau mỏi vai gáy do bệnh lý sau đây, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay:

    • Cơn đau vai xuất hiện đột ngột, dữ dội hoặc đau kéo dài trên 1 tuần với tần suất nhiều hơn, thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi.
    • Cảm giác đau vùng cổ vai gáy cấp tính xuất hiện sau tai nạn giao thông, va chạm, chấn thương đột ngột.
    • Khả năng vận động của vai gáy bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
    • Cổ bị cứng kèm nhức đầu dữ dội hoặc đau lan dần xuống cánh tay, chân.
    • Xuất hiện một số triệu chứng bất thường như sốt, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt ù tai, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
    • Xuất hiện khối sưng, u bất thường ở đầu hoặc cổ hoặc các vấn đề bất thường liên quan đến ruột và bàng quang.

    7. Phương pháp chẩn đoán đau mỏi vai gáy

    Để chẩn đoán nguyên nhân đau mỏi vai gáy, bước đầu các bác sĩ sẽ khám lâm sàng để nắm bắt cụ thể triệu chứng đặc trưng của người bệnh. Khám lâm sàng thường sẽ dựa trên mô tả của bệnh nhân và các kiểm tra khả năng cử động vai, cổ, cánh tay để đánh giá mức độ đau và phạm vi bị ảnh hưởng.

    Đồng thời, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng sẽ được chỉ định để xác định chính xác nhất các nguyên nhân thực thể, bao gồm:

    • Chụp X-quang: Phương pháp này cho hình ảnh chi tiết về cơ xương khớp, giúp phát hiện một số bệnh lý phổ biến như viêm khớp, trượt đĩa đệm, hẹp ống sống, gãy xương, khối u và các vấn đề liên quan tới tim, phổi.
    • Chụp MRI và CT: MRI và CT tạo hình ảnh chi tiết của cơ xương và các mô mềm xung quanh, giúp bác sĩ đánh giá các yếu tố về  thần kinh, dây chằng, gân… để xác định các nguyên nhân mà X - quang không thể nhìn ra được.
    • Điện cơ đồ (EMG): Điện cơ đồ dùng để do đánh giá chức năng của các cơ và hệ thần kinh, từ đó chẩn đoán các tình trạng có liên quan đến tổn thương thần kinh như đau cổ, vai, cánh tay hoặc hiện tượng tê, ngứa ran liên quan.
    • Chọc dò tủy sống: Chọc dò tủy sống chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt khi nghi ngờ có nhiễm trùng và tổn thương thần kinh.
    • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường được dùng để xác định các chỉ số viêm (như số lượng tế bào bạch cầu hoặc CRP) để xem có tổn thương hoặc viêm nhiễm trong cơ xương khớp hay không.

    Khám đau mỏi vai gáy sẽ bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng

    Khám đau mỏi vai gáy sẽ bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng

    8. Các biện pháp điều trị đau mỏi vai gáy

    Rất nhiều người băn khoăn đau mỏi vai gáy phải làm sao. Hiện nay, điều trị đau mỏi vai gáy chủ yếu dựa trên mức độ cơn đau như sau:

    • Mức độ nhẹ: Đối với tình trạng đau mỏi vai gáy chỉ mới xuất hiện, cơn đau không quá nghiêm trọng, phương pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, hạn chế cử động mạnh ảnh hưởng đến cổ vai gáy kết hợp chườm nóng, lạnh với một số mẹo dân gian.
    • Mức độ vừa: Nếu các biện pháp kể trên không đem lại hiệu quả và triệu chứng đau nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm các thuốc giảm đau chống viêm thuốc giãn cơ và các Vitamin nhóm B để cải thiện dẫn truyền thần kinh. Người bệnh cũng có cần nghỉ ngơi và tập các bài giãn cơ thường xuyên để duy trì hoạt động cơ bắp.
    • Mức độ nặng: Đau mỏi vai gáy mức độ nặng thường liên quan nhiều đến các bệnh lý. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định vật lý trị liệu, châm cứu và sử dụng các thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh hoặc phẫu thuật cho các trường hợp nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến chứng.

    8.1. Điều trị chuyên khoa

    Điều trị chuyên khoa thường dùng cho người bệnh đau mỏi vai gáy mức độ vừa trở nên do các bệnh lý.

    8.1.1. Dùng thuốc

    Điều trị bằng thuốc áp dụng trong điều trị một số trường hợp như viêm nhiễm hoặc rối loạn thần kinh. Đối với các bệnh lý về cột sống, thuốc chỉ có vai trò điều trị triệu chứng. Tùy nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc thích hợp với tình trạng của người bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh các tác dụng không mong muốn.

    Các nhóm thuốc thường được sử dụng:

    • Thuốc giảm đau: Paracetamol, giảm đau opioid (codein, tramadol), thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs: diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib…)
    • Thuốc giãn cơ: Eperisone, mephenesin
    • Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin, pregabalin
    • Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 hoặc mecobalamin
    • Corticosteroid: thường sử dụng dạng thuốc tiêm trong trường hợp bị chèn ép rễ thần kinh nặng và cấp tính.

    8.1.2. Phẫu thuật

     Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ các nguyên nhân gây đau mỏi, cải thiện chức năng vận động và tăng chất lượng sống cho người bệnh. Phương pháp này trong điều trị bệnh lý gây đau mỏi vai gáy thường áp dụng đối với các trường hợp áp dụng các phương pháp khác không hiệu quả, đã xảy ra biến chứng hoặc có nguy cơ biến chứng cao.

    Quá trình phẫu thuật và phục hồi chức năng sau phẫu thuật sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh. Người bệnh cần lưu ý tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc sau phẫu thuật để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

    8.1.3. Vật lý trị liệu

    Vật lý trị liệu đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp đau mỏi vai gáy do các bệnh lý cột sống, xương khớp và hỗ trợ tốt sau chấn thương nặng và phẫu thuật. Các phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau, cải thiện chức năng và sự linh hoạt của cơ xương khớp vùng vai gáy và thúc đẩy quá trình phục hồi của người bệnh.

    Các phương pháp vật lý trị liệu thường được cá nhân hóa và kết hợp với nhau để tối ưu hóa kết quả điều trị. Để xác định phương pháp vật lý trị liệu phù hợp, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến và hướng dẫn từ các chuyên gia vật lý trị liệu hoặc nhân viên y tế có chuyên môn.

    8.1.4. Châm cứu

    Châm cứu có tác động kích thích các cơ chế tự nhiên của cơ thể bằng cách châm vào các điểm trên da, cơ, dây thần kinh và các huyệt đạo, giúp giảm đau, giảm viêm, thúc đẩy tuần hoàn máu và điều hòa hoạt động thần kinh.

    Phương pháp châm cứu chỉ nên được thực hiện bởi những người có chuyên môn và kinh nghiệm. Châm cứu có thể áp dụng cho các trường hợp đau mỏi vai gáy do viêm dây thần kinh, căng cơ, stress và các rối loạn cột sống như thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ,...

    Châm cứu có thể áp dụng cho đau mỏi vai gáy

    Châm cứu có thể áp dụng cho đau mỏi vai gáy bệnh lý và sinh lý

    8.2. Điều trị hỗ trợ tại nhà

    Các biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà có thể giúp người đau mỏi vai gáy cải thiện triệu chứng và tăng khả năng vận động vai gáy, đặc biệt trong các trường hợp đau mỏi nhẹ, mới xuất hiện.

    8.2.1. Nghỉ ngơi và thư giãn

    Các triệu chứng đau mỏi vai gáy thường tăng lên khi vận động, làm việc quá sức hoặc duy trì một tư thế trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, để giảm đau mỏi, người bệnh nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh nên dành ra các khoảng thời gian tạm dừng hoạt động đang làm để cơ thể được thư giãn và phục hồi.

    8.2.2. Chườm nóng, chườm lạnh

    Chườm nóng và chườm lạnh giúp hỗ trợ giảm đau tức thời hiệu quả. Cụ thể:

    • Chườm lạnh: Chườm lạnh giúp giảm sưng và làm dịu các cơn đau do chấn thương phần mềm, viêm, căng cơ. Người đau mỏi vai gáy có thể cho đá lạnh vào khăn mềm hoặc túi chườm rồi chườm lên vùng vai gáy đau nhức 15 - 20 phút/lần, 2 - 3 lần/ngày.
    • Chườm nóng: Chườm nóng giúp giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu đến phục hồi vùng tổn thương và làm dịu cơn đau. Người đau mỏi vai gáy nên ngâm khăn mềm trong nước nóng hoặc cho nước ấm vào túi chườm rồi chườm lên vùng vai gáy đau nhức  15 - 20 phút/lần, 2 - 3 lần/ngày. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh chườm nóng trong trường hợp có viêm cấp.

    8.2.2. Điều chỉnh tư thế

    Tư thế xấu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau mỏi vai gáy và làm tăng nguy cơ các bệnh lý cột sống. Người bệnh đau mỏi vai gáy cần lưu ý tư thế khi sinh hoạt và làm việc như sau:

    • Tư thế ngủ: Nằm ngửa khi ngủ, không nên nằm nghiêng quá lâu. Lựa chọn đệm có độ đàn tốt, không quá mềm và các loại gối có độ cao vừa phải (tối đa 10cm) để đảm bảo giữ đầu ngang với cổ.
    • Tư thế sinh hoạt, vận động: Đảm bảo lưng và cổ luôn thẳng, không mang vác nặng. Khi ngồi làm việc cần điều chỉnh ghế thoải mái sao cho khuỷu tay ngang tầm với bàn, đùi song song với mặt đất và tránh bẻ cổ hay cúi cổ quá sâu.

    8.2.3. Massage, xoa bóp

    Massage xoa bóp là liệu pháp được rất nhiều người đau mỏi vai gáy lựa chọn vi hiệu quả giảm đau, thư giãn cơ bắp và thư giãn tinh thần rất tốt. Phương pháp này thường áp dụng trong các trường hợp điều trị đau mỏi vai gáy do nguyên nhân cơ học và hỗ trợ phục hồi trong các bệnh lý xương khớp gây đau mỏi vai gáy.

    Người đau mỏi vai gáy có thể nhờ người thân xoa bóp vai gáy hoặc sử dụng các thiết bị massage hỗ trợ như ghế matxa.

    Massage vai gáy giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp

    Massage vai gáy giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp và thư giãn tinh thần rất tốt

    8.3. Các bài tập giãn cơ trị đau mỏi vai gáy

    Việc tập luyện trong điều trị đau mỏi vai gáy là rất quan trọng để duy trì và phục hồi sự linh hoạt dẻo dai cho vùng vai gáy và giữ gìn cơ bắp. Người đau mỏi vai gáy có thể tham khảo một số bài tập giãn cơ sau:

    8.3.1. Bài tập xoay cổ

    Người đau mỏi vai gáy có thể tập xoay cổ để khởi động trong quá trình tập luyện, giúp thư giãn vùng cổ và tạo điều kiện tập các bài tập nâng cao sau đó.

    Cách thực hiện: Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, sau đó xoay mặt và cổ lần lượt theo các hướng sang trái, sang phải, hướng lên và hướng xuống. Ở mỗi hướng giữ tư thế trong ít nhất 5 - 10 giây.

    8.3.2. Bài tập duỗi vai

    Bài tập duỗi vai cho phép căng duỗi, kéo giãn vùng cơ 2 bên vai và cổ, giúp cải thiện tư thế và làm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh.

    Cách thực hiện: Đứng thẳng. Duỗi thẳng tay trái và bắt chéo qua ngực, sau đó tay phải nắm vào khuỷu tay trái và nâng kéo tay trái sao cho tay trái áp sát ngực. Giữ nguyên tư thế 20 giây rồi đổi bên. Lặp lại động tác 3 - 5 lần.

    8.3.3. Bài tập căng duỗi cơ hình thang

    Bài tập căng duỗi cơ hình thang giúp thư giãn cơ bắp hiệu quả và giảm đau mỏi tức thì do căng cơ ở vai gáy.

    Cách thực hiện: Đứng/ngồi thoải mái. Đưa tay phải ra phía sau lưng, tay trái vòng ra sau và nắm lấy cổ tay phải. Kéo nhẹ tay phải về hướng chân trái đồng thời nghiêng đầu về bên trái. Giữ tư thế trong 20 giây và lặp lại tương tự với bên còn lại.

    8.3.4. Bài tập xoay và nhún vai

    Động tác xoay và nhún vai hỗ trợ cải thiện sự linh hoạt cho các khớp vùng vai, đồng thời chuyển động nhẹ nhàng liên tục giúp làm ấm và giảm căng cứng cho cơ vai.

    Cách thực hiện: Đứng hoặc ngồi thoải mái, giữ thẳng lưng và cổ. Nâng lên, hạ xuống và chuyển động xoay mỏm vai đồng thời hai bên vai sao cho các cơ bắp có cảm giác được kéo giãn. Thực hiện bài tập khoảng 30 giây.

    Xem thêm các bài tập tại: 16+ Bài tập chuyên sâu giảm đau nhức mỏi cổ vai gáy từ chuyên gia 

    Tập luyện có vai trò quan trọng trong điều trị

    Tập luyện có vai trò quan trọng trong điều trị đau mỏi vai gáy

    8.4. Các mẹo dân gian trị đau mỏi vai gáy

    Ngoài các biện pháp đã được y học hiện đại khuyến cáo, các mẹo dân gian ông bà ta truyền lại cũng rất có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng giảm đau mỏi vai gáy.

    8.4.1. Lá lốt và ngải cứu

    Ngải cứu tính ấm, có tác dụng giảm đau, bổ khí huyết, ngừa phong thấp nên có thể cải thiện các tình trạng đau nhức do các bệnh xương khớp và rối loạn khí huyết. Lá lốt có tính chống viêm, trừ hàn và chứa nhiều thành phần như tinh dầu, alcaloid giúp thúc đẩy lưu thông máu và thư giãn cơ bắp. Khi kết hợp 2 thành phần này sẽ giúp tăng cường hiệu quả giảm đau nhức vai gáy.

    Người đau mỏi vai gáy có thể dùng chườm nóng với từng loại dược liệu hoặc sử dụng hỗn hợp lá lốt, ngải cứu sao muối.

    8.4.2. Gừng

    Gừng tươi từ lâu đã được biết đến với công dụng phát tán phong hàn, thúc đẩy lưu thông máu, giúp giảm đau và giãn cơ trong các trường hợp đau mỏi vai gáy do co cứng cơ và nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, các chất cay trong gừng cũng đã được y văn hiện đại chỉ ra tác dụng chống viêm, chống oxy hóa hiệu quả, nhờ vậy rất có lợi trong các trường hợp viêm mạn tính và bệnh lý tự miễn gây đau mỏi vai gáy như viêm cột sống dính khớp.

    Người đau mỏi vai gáy có thể đắp gừng tươi hoặc xoa bóp bằng rượu gừng lên vùng vai gáy đau nhức.

    8.4.3. Hạt gấc

    Trong Đông y, hạt gấc có tính ôn, vị đắng, có tác động giúp chống viêm, giảm đau. Đồng thời hạt gấc còn chứa nhiều các thành phần như Lipit, Tanin, Photphotoba, Invedaxa,... có  tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm nên có thể cải thiện triệu chứng cho người đau mỏi vai gáy trong các trường hợp do nguyên nhân cơ học.

    Để điều trị đau mỏi vai gáy, hạt gấc thường được đem ngâm rượu và xoa bóp lên vùng đau nhức.

    8.4.4. Cây lá đắng

    Vỏ cây lá đắng chứa nhiều hoạt chất như Glycoside, Saponin, Alkaloid, Vitamin A, C, E,... Những thành phần này có tác dụng hỗ trợ giảm co cứng cơ bắp, hạn chế phản ứng viêm nên có thể sử dụng trong hỗ trợ trị đau mỏi vai gáy.

    Người đau mỏi vai gáy có thể uống nước từ vỏ và thân cây lá đắng trong 7 - 10 ngày.

    Tham khảo cụ thể các mẹo dân gian tại: Chuyên gia gợi ý 15 phương pháp và mẹo dân gian trị đau mỏi vai gáy tại nhà

    Một số thảo dược như ngải cứu có tác động cải thiện triệu chứng đau mỏi vai gáy tốt

    Một số thảo dược như ngải cứu có tác động cải thiện triệu chứng đau mỏi vai gáy tốt

    9. Phòng ngừa đau mỏi vai gáy như thế nào?

    Đau mỏi vai gáy có tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Vì vậy, việc phòng ngừa đau mỏi vai gáy cần được quan tâm và lưu ý hơn. Dưới đây là một số khuyến cáo để hạn chế xảy ra đau mỏi vai gáy ở mọi lứa tuổi :

    • Tránh các thói quen xấu có thể dẫn đến đau mỏi vai gáy như: lười vận động, ngồi và ngủ không đúng tư thế, hay mang vác vật nặng hoặc gù lưng,...
    • Thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi hợp lý: Sau khi làm việc 1 - 2 tiếng, bạn nên đứng lên thư giãn 5 - 10 phút các cơ bắp và cột để sống được thả lỏng. Đồng thời, tham gia các hoạt động giải trí hoặc tập thiền khi nghỉ ngơi cũng giúp thư giãn tinh thần, giảm stress rất tốt.
    • Cải thiện môi trường làm việc: Để phòng ngừa đau mỏi vai gáy, bạn nên bố trí không gian làm việc thoải mái với nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm phù hợp. Cần lưu ý ghế ngồi phải đủ êm và bàn làm việc ở vị trí phù hợp để tránh tạo áp lực lên vai gáy.
    • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng phòng ngừa đau mỏi vai gáy là bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho xương khớp và hệ thần kinh như Calci, Vitamin B, C, D, Phospho, Magie,... Tham khảo cụ thể chế độ ăn cho người đau mỏi vai gáy tại bài viết Đau mỏi vai gáy kiêng ăn gì? 4 nhóm thực phẩm cần tránh
    • Tập thể dục thể thao thường xuyên, đúng cách: Tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày với các môn thể thao như yoga, bơi lội, tennis sẽ giúp tăng sự dẻo dai, đàn hồi của cơ xương, giảm tình trạng đau nhức, co cứng và hạn chế tổn thương. tuy nhiên, bạn cần lưu ý khởi động kỹ trước đi tập luyện để tránh chấn thương.
    • Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân béo phì: Để kiểm soát cân nặng hiệu quả, người đau mỏi vai gáy cần thiết kế chế độ ăn giảm calo từ tinh bột và chất béo, tăng cường rau củ, trái cây và tập luyện các bài tập giúp tiêu hao mỡ thừa.

    Thư giãn tinh thần giúp phòng ngừa đau mỏi vai gáy

    Thư giãn tinh thần giúp phòng ngừa đau mỏi vai gáy hiệu quả

    Đau mỏi vai gáy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc. Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn sẽ có thêm thông tin để cải thiện tình trạng đau mỏi vai gáy, tăng cường sức khỏe cơ xương khớp và nâng cao chất lượng sống tối ưu.

    Copyright © 2022 Maxcare Corporation. All rights reserved. Giấy phép ĐKKD số 0102685345 do Sở KHĐT TP.HN cấp ngày 18/03/2008. Trụ sở: Tầng 6, Toà Sky City Tower A, Số 88 Láng Hạ, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.